Giải pháp xây dựng Xây dựng

Nguyên nhân và cách phòng tránh một số lỗi thi công nhà ở thường gặp

Những lỗi thi công nhà dân dụng thường gặp
8 phút, 16 giây để đọc.

Việc xây dựng nhà dân dụng thường rất quen thuộc và gẫn gũi với mỗi chúng ta, nhất là đối với các nhà thầu nhận thi công xây dựng. Tuy nhiên có một số lỗi thi công nhà dân dụng thường gặp mà chính những nhà thầu cũng không thể lường trước và xử lý tốt được. Những lỗi thi công này sẽ khiến cho ngôi nhà vừa mất thẩm mỹ, vừa không đảm bảo được an toàn cho những người sống bên trong. Trong đó có những lỗi có thể dễ dàng tìm ra được chính xác nguyên nhân và khắc phục được một cách nhanh chóng, tuy nhiên cũng có những lỗi rất khó để khắc phục. Do đó đối với những lỗi này, người xây nhà cần biết cách phòng tránh ngay từ ban đầu trước khi tiến hành thi công.

Không xin giấy phép trước khi xây dựng

Xin giấy phép xây dựng là một trong những việc đầu tiên cần thực hiện. Đây là một bước đóng vai trò cực kỳ quan trọng trước khi khởi công xây nhà. Việc xin giấy phép xây dựng từ cơ quan chức năng có thẩm quyền tại khu vực, địa phương nơi công trình dự kiến khởi công là việc không thể bỏ qua. Chủ đầu tư cần chú ý thực hiện đầy đủ và tuân theo đúng quy định. Việc này nhằm để tránh các rủi ro có thể gặp phải như sau:

– Trường hợp xây khi chưa có giấy phép xây dựng, công trình sẽ bị đình chỉ thi công. Đối với trường hợp nghiêm trọng hơn là tháo dỡ toàn bộ công trình.

– Trường hợp có giấy phép nhưng thi công sai nội dung cấp phép, công trình sẽ bị tháo dỡ phần xây sai. Đồng thời phần tháo dở sẽ không được hoàn công.

Nếu bị phát hiện và xử lý thì chủ đầu tư sẽ chịu thiệt hại không nhỏ. Do đó, mọi chủ đầu tư đều cần xin giấy phép xây dựng đầy đủ trước khi xây dựng. Đồng thời chủ đầu tư cần cho tiến hành thi công đúng như nội dung trong giấy phép.

Lỗi vô cùng nghiêm trọng khiến công trình bị sập

Những lỗi thi công nghiêm trọng có thể khiến công trình bị sập

Trong quá trình xây dựng, nhà đổ, sập là tình huống nguy hiểm nhất. Việc này có thể gây thiệt hại đến tính mạng con người. Đồng thời nó cũng có thể làm ảnh hưởng đến các công trình lân cận.

Nguyên nhân

– Không đảm bảo kích thước móng, cột, dầm hiện tại. Ví dụ: Kích thước móng chỉ đáp ứng được công trình 2 tầng. Nhưng lúc này gia chủ xây thành 4 tầng mà không tính toán lại để thay đổi kích thước móng, cột, dầm phù hợp hơn.

– Do thép đặt sai vị trí hoặc cây chống sàn có kích thước quá nhỏ so với quy chuẩn. Trong trường hợp này, chủ nhà nâng chiều dày sàn lớn hơn chiều dày của bản thiết kế ban đầu.

Cách để phòng tránh

– Hãy tìm đơn vị xây dựng thiết kế kết cấu bê tông cốt thép theo đúng mục đích xây dựng của gia đình. Điều quan trọng hơn hết là cần phải tuân thủ theo đúng thiết kế.

– Không tự ý thay đổi quy mô công trình hay phần kết cấu. Chẳng hạn như nâng thêm tầng, thay đổi kết cấu bê tông cốt thép khi chưa được sự đồng ý của kỹ sư xây dựng.

– Hạn chế dùng cây chống bằng gỗ. Bởi vì kích thước cây chống nhỏ, hay cong vênh, dễ chịu ảnh hưởng của thời tiết,… Từ đó nó có thể khiến sàn bị sập, võng. Nên sử dụng cây chống sắt để đảm bảo bền chắc và sức chịu lực tốt hơn.

Lỗi thi công khiến phần sơn ở tường nhà nhanh tróc, phai màu

Ngôi nhà của bạn sẽ trở nên cũ kỹ, xuống cấp, mất thẩm mỹ nếu lớp sơn bên ngoài của tường nhà bị bong tróc hoặc phai nhạt chỉ sau vài tháng sử dụng. Do đó các gia chủ cần phải quan tâm đến vấn đề này.

Nguyên nhân

– Trộn vữa không đúng tỉ lệ. Có thể là do dùng quá ít xi măng hoặc nhiều cát hoặc trộn không đều.

– Dùng các loại cát bẩn, có lẫn nhiều tạp chất để trộn vữa.

– Sử dụng vữa đã trộn quá 2 giờ hoặc trát vữa khi tường quá khô.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc lớp sơn tường nhanh bong tróc

– Chọn các loại sơn tường rẻ tiền, kém chất lượng.

– Thợ không có kinh nghiệm thi công sơn nhà. Người thợ phụ trách sơn không dùng bả matit hoặc sơn lót trước khi sơn nước.

– Không chống thấm hoặc chống thấm không đúng và không đủ tiêu chuẩn.

Cách để phòng tránh

– Kiểm soát trộn vữa đều và đúng tỉ lệ. Lúc trộn phải đảm bảo đủ độ dẻo trước khi thi công tô, trát tường.

– Hạn chế sử dụng vữa trộn quá 2 giờ để đảm bảo chất lượng công trình.

– Lựa chọn sơn chất lượng tốt, đảm bảo thi công đúng kỹ thuật.

Một số lỗi thi công khiến tường nhà có vết nứt

Những vết nứt dù lớn hay nhỏ xuất hiện trên tường nhà sẽ khiến không gian nhà ở mất đi tính thẩm mỹ vốn có. Bên cạnh đó, việc này xuất hiện còn tạo cảm giác ngôi nhà kém an toàn, không đảm bảo.

Nguyên nhân

– Với những vết nứt nhẹ, không ăn sâu trong tường gạch, nguyên nhân có thể là do kỹ thuật tô trát vữa không đúng cách của đơn vị thi công. Có thể là do tường quá khô, tô sai kỹ thuật, trộn vữa không đều, sai quy trình,…

– Trường hợp những vết nứt tiếp giáp giữa các bức tường, cột, nguyên nhân có thể là do trong quá trình thi công, thợ không đặt hoặc đặt không đủ thép râu neo tường.

– Những vết nứt ở các mép cửa ra vào, cửa sổ thường do đà lanh tô cửa không đủ dài, không đủ đoạn neo gối lên 2 đầu tường. Nếu trong quá trình sử dụng, cửa bị đóng mở quá mạnh rất dễ xuất hiện hiện vết nứt.

– Đối với các vết nứt nghiêng trên tường, xuất hiện ở một góc tường, bậu cửa và lan sâu vào giữa các mảng tường thì nguyên nhân có thể là do nhà bị lún, sụt.

Cách để phòng tránh

– Khảo sát kỹ địa chất khu đất trước khi xây nhà. Từ đó đưa ra được các biện pháp xây móng chống lún ngay từ ban đầu. Đây là một trong những bước đóng vai trò quan trọng khi muốn xây một ngôi nhà.

– Thiết kế và tính toán một cách kỹ lưỡng khả năng chịu lực, chịu tải của công trình.

– Thi công theo đúng các thông số tiêu chuẩn của thiết kế để hạn chế hiện tượng nứt tường.

Cách xử lý khi xuất hiện vết nứt tường

– Với trường hợp nứt nhẹ, có thể đục các vết hồ cũ dọc theo các vết nứt. Sau đó tiến hành xử lý kỹ, cấp ẩm đủ cho tường. Cuối cùng là tô tường lại bằng vữa, xi măng và cát mịn.

– Với những vết nứt mép tiếp giáp tường, cột, có thể xử lý bằng cách tạo rãnh sâu. Sau đó làm sạch, hút vữa sửa chữa. Cuối cùng chỉ cần trát lại bằng vữa trát thông thường.

– Với những vết nứt ở mép cửa, có thể phòng ngừa ngay từ khâu thi công bằng cách tăng chiều dài đà lanh tô trên đầu cửa ra vào, cửa sổ. Lưu ý chiều dài được tối thiểu là 20cm. Còn nếu đã bị nứt rồi thì phải đục đà lanh tô ra, thay loại mới dài hơn. Tuy nhiên, cách này chỉ là giải pháp tạm thời. Nó sẽ không mang lại được hiệu quả trong lâu dài.

Lỗi thi công khiến trần, tường, sàn bị thấm

Trần, tường, sàn bị thấm là lỗi thi công thường gặp

Quá trình thi công không đảm bảo kỹ thuật dễ dẫn đến hiện tượng chân tường, trần và sàn nhà bị thấm nước khi trời mưa to, kéo dài nhiều ngày.

Nguyên nhân

– Chưa xử lý chống thấm hoặc chống thấm không đúng kỹ thuật.

– Thiết kế hệ thống thoát nước của ngôi nhà chưa tốt, chưa đúng tiêu chuẩn.

– Sử dụng vật liệu không phù hợp với khí hậu nóng ẩm, thời tiết thay đổi thất thường.

Cách để phòng tránh

– Xử lý chống thấm tại những vị trí như sân thượng hoặc các ban công, sàn tiếp xúc với môi trường ngoài trời trước khi tiến hành lát gạch.

– Thiết kế để hệ thống thoát nước để nước có thể thoát nhanh khi trời mưa. Đồng thời việc này sẽ giúp hệ thống dễ sửa chữa khi xảy ra tình trạng thấm.

– Với các phòng vệ sinh nên sử dụng loại vật liệu gốc xi măng. Nguyên nhân là do nơi này không có độ co giãn vì nhiệt.

Có rất nhiều lỗi xây nhà dân dụng xuất hiện trước, trong và sau khi thi công hoàn thiện. Nếu không được lưu ý và giám sát chặt chẽ, các lỗi này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng công trình sau này. Điều này sẽ khiến ngôi nhà của bạn gặp phải các vấn đề nghiêm trọng. Chẳng hạn như sàn bị lún, sụt, nền bị bung, bong tróc sơn tường,… Do đó để đảm bảo quá trình xây nhà diễn ra thuận lợi, suôn sẻ, đảm bảo thi công đúng thiết kế, đạt các yêu cầu về kĩ thuật, công năng cũng như chất lượng công trình,… thì người chuẩn bị xây nhà nên lưu ý đến các lỗi xây nhà dân dụng phố biến được nêu ra trên đây. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp ích cho bạn trong việc xây dựng nhà.

Similar Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *